ASIAN EXPRESS LINE VIETNAM (AEL Vietnam)
Ban phai nhap 3 tin khuyen mai
         Tin tức
Logistics Việt Nam: Nhìn lại để đi tới


Lâu nay những cụm từ như: “80% miếng bánh lợi nhuận của ngành logistics Việt Nam đã rơi vào tay những công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia”; “Làm sao để đưa ngành logistics còn non trẻ này phát triển?”; hay “Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động manh mún và thua ngay trên sân nhà!”… được đề cập rất nhiều lần trên báo chí, hoặc tại các diễn đàn chuyên ngành. Liệu những nhận định, những lời “than vãn” ấy có thỏa đáng?

Bài 1: Thách thức và cơ hội

Đã đến lúc chúng ta phải ngồi lại để phân tích, đánh giá những cụm từ trên liệu có còn phù hợp với sự phát triển không ngừng của ngành logistics Việt Nam trong những năm vừa qua.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đây là cơ hội để tất cả các ngành kinh tế - trong đó có Logistics, phát triển. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua cho thấy các ngành kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng chưa phát triển đúng với vai trò, tốc độ của những thuận lợi này.

MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦY KHÓ KHĂN

Với ngành logistics, hội nhập tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt nam có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế, nhưng cũng tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp ngay tại thị trường trong nước, khi mà các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào đầu tư và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Việc nhận thức đúng, đủ về logistics của các doanh nghiệp trong nước chưa cao. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng đơn thuần nghiệp vụ logistics chỉ là vận chuyển hàng hóa, lưu kho bãi hoặc các dịch vụ hải quan (Forwarding) mà không tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng.

Chưa thấy hết ý nghĩa của logistics là đảm bảo cho các ngành kinh tế khác về thời gian, chất lượng hàng hóa, chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối hàng hóa, bởi vì nó tối ưu hóa các khâu trong chuỗi cung ứng, mang lại giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Chính vì chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như nguồn lợi nên các doanh nghiệp cũng như ngành chưa chú trọng đầu tư để phát triển nguồn nhân lực. Hiện tại, chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng còn yếu, thiếu các kiến thức chuyên sâu về logistics. Đào tạo về logistics chưa thành một chuyên ngành mà chủ yếu là một vài học phần giới thiệu về dịch vụ vận tải và giao nhận đường biển hoặc dịch vụ khai quan đơn giản trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu.

Mặt khác, hệ thống giao thông của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên chưa đồng bộ và quy chuẩn.

Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là làm thế nào để vận dụng thích hợp những yêu cầu của khách hàng với điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực thực tế tại Việt Nam.

Với xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin (IT) vào quá trình quản lý các doanh nghiệp, có một vai trò vô cùng quan trọng nhất là những doanh nghiệp trong ngành logistics. Thế nhưng thực tế, việc áp dụng các phềm mềm ứng dụng chuyên ngành vào quá trình quản trị kho, phân phối hàng hóa, quản lý tài chính của các doanh nghiệp còn rất hiếm hoi do đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và cần có cái nhìn xa hơn.

SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA DOANH NGHIỆP LOGISTICS NỘI ĐỊA

Là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hàng năm logistics đóng góp khoảng 1/5 (20%-25%) GDP của đất nước, điều đó cho thấy không phải phần lớn doanh thu này là do các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận, mà một hệ thống các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong lĩnh vực này đang chứng tỏ sức mạnh nội tại, năng lực của mình để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Muốn đánh giá đúng về năng lực của các doanh nghiệp trong ngành cần phải phân khúc thị trường.

Nhìn vào 3 nhóm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic chủ yếu tại thị trường Việt Nam hiện nay: các công ty đa quốc gia, công ty liên doanh nước ngoài; các Tổng công ty, tập đoàn nhà nước; các công ty tư nhân, cổ phần. Nhóm thứ nhất - đa phần tập trung vào phân khúc khách hàng toàn cầu của họ tại mỗi quốc gia, là những khách hàng có nhận thức về logistics rất đầy đủ và có nhu cầu sử dụng các dịch vụ logistics trọn gói. Nhóm thứ hai - chiếm lĩnh gần như toàn bộ các dịch vụ về giao nhận, vận tải trong nước, phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng và chủ yếu có thế mạnh chuyên từng mảng riêng lẻ. Phần lớn lợi nhuận trong lĩnh vực vận tải và vận tải phân phối rơi vào khối doanh nghiệp này.

Nhóm thứ ba – nhóm có nhiều tiềm năng phát triển nhất trong tương lai, nhắm vào phân khúc khách hàng tương đồng - các công ty tư nhân, cổ phần là những thương hiệu mạnh của Việt Nam. Ở nhóm thứ ba này, cả nhà cung ứng dịch vụ logistics lẫn người sử dụng dịch vụ đều đang thay đổi rất nhanh nhận thức về logistics. Khi quyền lợi của người làm chủ gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp, họ luôn tính toán phương án hiệu quả nhất cho hoạt động kinh doanh đặc biệt là các yếu tố tác động đến chi phí và cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay có một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển theo mô hình cung ứng dịch vụ 3PL, 4PL và nhắm vào phân khúc thị trường của cả 3 nhóm trên. Ngoài việc cung ứng các dịch vụ đơn lẻ cho các công ty nhà nước vốn có bộ phận chuyên trách về logistics; hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, dịch vụ gia tăng giá trị, quy chuẩn chất lượng tiêu chuẩn quốc tế để thu hút nhóm công ty đa quốc gia; họ rất có lợi thế khi hướng tới nhóm thương hiệu mạnh của Việt Nam. Lợi thế sân nhà, giúp nhà cung ứng dịch vụ logistics thấu hiểu về thực trạng phát triển của doanh nghiệp trong nước, để có thể tư vấn và cung cấp giải pháp linh hoạt, đồng hành, chia sẻ và từng bước đào tạo và hoàn thiện hệ thống của họ theo một lộ trình hợp lý, hiệu quả phù hợp với thực trạng doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp này đang trở thành một đối trọng cạnh tranh mạnh mẽ với các nhóm còn lại, nhất là có nhiều cơ hội dành ưu thế trên sân nhà so với các công ty đa quốc gia. Việc một số công ty như Công ty cổ phần Vinafco đã dành được những hợp đồng cung ứng dịch vụ 3PL cho các khách hàng quốc tế lớn như Akzo Nobel (Sơn Dulux), Kimberly – Clark (Kotex)… đã tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho ngành logistics Việt Nam.

Nếu bức tranh toàn cục cho thấy, thị phần dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay doanh số áp đảo vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài; nhưng khi nhìn sâu vào từng doanh nghiệp logistics của Việt Nam, thì sẽ thấy sự phát triển, vươn lên từng ngày. Điển hình như Vinafco, một doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ logistics trên 20 năm, ban đầu hoạt động chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ vận tải nội địa và quá cảnh, đại lý hải quan với các phương tiện vận tải, kho bãi còn hạn chế.

Từ năm 2007 trở lại đây, Vinafco đã thay đổi nhận thức và đánh giá đúng tiềm năng và cơ hội phát triển trong lĩnh vực logistics, cắt bỏ các mảng kinh doanh đa ngành, tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh cốt lõi là logistics và vận tải biển. Tiến hành đầu tư mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất (phương tiện vận tải, tàu biển, hệ thống kho bãi đạt chuẩn quốc tế, công nghệ thông tin, phần mềm trong quản lý kho hàng, vận tải…), Vinafco đang dần trở thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có uy tín, chất lượng và được các doanh nghiệp nội địa, các công ty liên doanh, công ty nước ngoài hoạt động tại Việt nam sử dụng dịch vụ và đánh giá cao. Ngoài ra còn có thể kể đến các công ty logistics khác: Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) đã ký kết với tập đoàn YCH (Singapore) thành lập trung tâm logistics YCH - Protrade tại Bình Dương; Trung tâm IDC Tiến Sơn với tổng số vốn 14 triệu USD do Công ty Cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ đầu tư.

Vinafco xác định đầu tư vào cơ sở hạ tầng gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và hệ thống vận hành theo chuẩn mực quốc tế là giá trị cạnh tranh hàng đầu. Họ đầu tư nâng cấp và xây mới hệ thống kho bãi trở thành các trung tâm phân phối và cung cấp các dịch vụ logistics gia tăng từ đây là một mục tiêu then chốt và có tính quyết định. Hiện tại Vinafco đang hoàn thiện hệ thống kho bãi, trung tâm phân phối ở hầu hết các khu vực trọng điểm kinh tế lớn như: Hà Nội với các trung tâm Bạch Đằng, Thanh Trì, Gia Lâm; Bắc Ninh với Trung tâm phân phối tại KCN Tiên Sơn; Hải Phòng với Trung tâm Đình Vũ; Đà Nẵng với Trung tâm phân phối tại KCN Hòa Cầm; Thành phố HCM; Bình Dương với Trung tâm phân phối tại KCN Sóng Thần; Hậu Giang… đáp ứng nhu cầu càng lớn của chuỗi dịch vụ cung ứng. Dự kiến tính đến hết năm 2011, Vinafco sở hữu hơn 140.000m2 kho bãi trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước.

Không chỉ dừng lại ở quá trình đầu tư chiều rộng, các doanh nghiệp Việt Nam có tầm nhìn chiến lược đã chú trọng chiều sâu - đó chính là chất lượng kho bãi với quy chuẩn quốc tế. Vinafco đã chi phí gần nửa triệu USD cho việc thuê tư vấn chiến lược từ chuyên gia nước ngoài - Logistcs Bureau. Đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.2011 đã phê duyệt tổng mức đầu tư cho chiến lược phát triển đến năm 2014 là 2000 tỷ đồng. Đầu tư vào dự án xây kho bãi mới 1.124 tỷ đồng; 325 tỷ đồng dành cho nâng cấp thiết bị, kho bãi và phương tiện vận tải, phát triển hệ thống phương tiện vận tải đường biển, cảng biển; 22 tỷ đồng cho hệ thống quản lý kho bãi (WMS), quản lý vận tải (TMS) giai đoạn I và phát triển thương hiệu Vinafco; gần 1 tỷ đồng của năm 2011 cho hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành hoạt động…

Điều đó cho thấy Vinafco đang tập trung đầu tư hoàn thiện năng lực cung ứng dịch vụ logistics, để khẳng định vị thế thương hiệu của người Việt, dẫn đầu về cung ứng dịch vụ 3PL, 4PL chuyên nghiệp ngay trên sân nhà.

Như vậy, để theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng đầu tư công nghệ, quy mô, nhân sự, đổi mới phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan tiềm năng phát triển và cả những nỗ lực không ngừng của những doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay.

CƠ HỘI RỘNG MỞ

Kể từ khi Luật Thương mại có hiệu lực, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực logistics đã phát triển nhanh chóng. Tính đến nay đã có hơn 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics. Các doanh nghiệp này đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và đang từng bước hội nhập, trưởng thành về mọi mặt. Với tốc độ này trong vài năm tới đây số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong ngành logistics có thể sẽ vượt cả Thái Lan (1.100 công ty); Singapore (800 công ty), đồng thời chất lượng dịch vụ cũng như năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hoàn thiện và nâng cao.

Trong quy hoạch phát triển vận tải biển từ nay tới năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, dịch vụ logistics cũng được nhấn mạnh với dịch vụ vận tải đa phương tiện chất lượng cao, hướng tới dịch vụ trọn gói (3PL, 4PL) và mở rộng ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Ở Việt Nam tiềm năng phát triển dịch vụ logistics còn rất lớn. Dự tính trong 10 năm tới, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 200 tỷ USD. Năm 2010, sản lượng vận tải cả nước đạt 714,8 triệu tấn hàng hóa, 223,8 tỷ tấn/km (tăng 12,4% về tấn vận chuyển và 10,5% tấn/km). Lượng hàng container thông qua cảng biển tăng 16,9%, hàng lỏng tăng 24%, hàng quá cảnh tăng 6%, vận tải hàng không tăng 20% về hành khách và 30% về hàng hóa so với năm 2009.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài trước những cơ hội nêu trên. Thứ nhất, về hệ thống kho bãi, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang sở hữu phần lớn hệ thống kho bãi phục vụ trong ngành logistics (các doanh nghiệp nước ngoài đa phần khi thực hiện chuỗi cung ứng đều phải thuê kho hoặc nếu có thì phải liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước). Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước là những người sẽ nhanh nhạy, nắm vững được thị trường, tâm lý khách hàng, vị trí địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Thứ ba, về nhân sự, lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê các chuyên gia là người nước ngoài làm việc cho mình.

Khi đề cập đến vấn đề cơ hội của ngành logistics Việt Nam hiện nay, ông Trịnh Ngọc Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinafco nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập và phát triển, chính vì vậy có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logictics của Việt Nam. Tuy nhiên để nắm bắt những cơ hội này một cách hiệu quả, các doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những kiến thức về ngành, không ngừng nâng cao năng lực của doanh nghiệp mình về mọi mặt. Có như vậy, trong tương lai gần, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà sẽ mở rộng các dịch vụ logistics ra cả nước ngoài”.

Orther
Cựu chủ tịch Vinashin: 'Sai phạm do điều kiện khách quan' ( 27/3/2012 )
Thị Trường Vận Tải Hàng Hóa Hàng Không: Đón đầu cơ hội ( 27/3/2012 )
Tàu container lớn nhất cập cảng Cái Mép ( 15/3/2012 )
Vận đơn (Bill of Lading - B/L) và các vấn đề liên quan ( 14/3/2012 )
AEL
VIFFAS
FIATA
IATA
VIETSHIP
Visited : 540600
Online : 20